WB: Tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ thấp nhất trong nhiều thập kỷ
Nền kinh tế toàn cầu đang trên đà trải qua giai đoạn tăng trưởng 5 năm tồi tệ nhất trong ít nhất 3 thập kỷ trở lại đây, Ngân hàng Thế giới cảnh báo trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” mới nhất vừa được công bố.
Năm nay, tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ giảm năm thứ 3 liên tiếp, khiến hiệu quả kinh tế giai đoạn 2020 - 2024 trở nên tồi tệ hơn những năm xung quanh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 và sự suy thoái vào đầu những năm 2000, Phó Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Ayhan Kose đã nói như vậy với các phóng viên.
Theo WB, tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sẽ giảm xuống 2,4% vào năm 2024, từ mức 2,6% được ghi nhận vào năm ngoái trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự suy thoái được dự đoán ở các nền kinh tế tiên tiến.
Chuyên gia Kose đã nói với CNBC rằng sự leo thang xung đột ở Ukraine và cuộc chiến Israel-Hamas “có thể có tác động đáng kể đến giá năng lượng và từ đó có thể tác động đến lạm phát cũng như tăng trưởng kinh tế”.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng hầu hết các nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ yếu hơn vào năm 2024 và 2025 so với thập kỷ trước, đồng thời nói thêm rằng nếu không có “sự điều chỉnh lớn” thì những năm 2020 sẽ đi xuống như “một thập kỷ cơ hội bị lãng phí”.
Theo WB, các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trung hạn do thương mại toàn cầu trì trệ và điều kiện tài chính thắt chặt đè nặng lên tăng trưởng.
“Tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển - đặc biệt là những nước nghèo nhất - mắc kẹt trong một cái bẫy: với mức nợ tê liệt và khả năng tiếp cận thực phẩm khó khăn đối với gần một phần ba dân số,” Nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của Ngân hàng Thế giới cho biết trong một tuyên bố.
Theo VnMedia