WB: Mức nợ kỷ lục đe dọa các nước đang phát triển
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), các quốc gia đang phát triển đã chi kỷ lục 443,5 tỷ USD để trả nợ công bên ngoài và nợ công được bảo lãnh vào năm 2022 trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng mạnh nhất trong 4 thập kỷ.
Nghiên cứu cho thấy sự gia tăng này đã chuyển các nguồn lực khan hiếm ra khỏi các nhu cầu quan trọng như sức khỏe, giáo dục và môi trường.
Báo cáo của WB cho thấy các khoản thanh toán dịch vụ nợ (cả gốc và lãi) đã tăng 5% so với năm trước đối với tất cả các nước đang phát triển. Nó còn chỉ ra rằng 75 quốc gia đủ điều kiện vay từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế của Ngân hàng Thế giới - tổ chức hỗ trợ các nước nghèo nhất đã phải trả chi phí trả nợ kỷ lục 89 tỷ USD vào năm 2022.
Trong thập kỷ qua, các khoản thanh toán lãi suất của các quốc gia này đã tăng gấp bốn lần lên mức cao nhất mọi thời đại là 23,6 tỷ USD tính đến năm ngoái. Nhìn chung, chi phí trả nợ đối với 24 quốc gia nghèo nhất dự kiến sẽ tăng vọt vào năm 2023 và 2024 – lên tới 39%, tổ chức tài chính quốc tế cho hay.
Ông Indermit Gill - chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Phó Chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới, cho biết: “Mức nợ kỷ lục và lãi suất cao đã đẩy nhiều quốc gia vào con đường khủng hoảng. Mỗi quý lãi suất vẫn ở mức cao sẽ khiến nhiều nước đang phát triển trở nên khó khăn hơn - và phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa trả nợ công hoặc đầu tư vào y tế công cộng, giáo dục và cơ sở hạ tầng.”
Theo ông Gill, việc thiếu sự phối hợp hành động của các chính phủ mắc nợ, chủ nợ tư nhân và chính thức cũng như các tổ chức tài chính đa phương có thể dẫn đến “thập kỷ mất mát nữa”.
Ngân hàng Thế giới cho rằng lãi suất tăng cao đã làm tăng thêm nguy cơ nợ nần ở tất cả các nước đang phát triển. Chỉ trong ba năm qua, đã có 18 vụ vỡ nợ quốc gia ở 10 quốc gia đang phát triển, lớn hơn con số được ghi nhận trong hai thập kỷ trước. Báo cáo cảnh báo, hiện tại, khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp có nguy cơ cao hoặc đã lâm vào cảnh khó khăn nợ nần.
Theo VnMedia