Bộ Tài chính đề xuất 4 mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Sau nhiều lần giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 thì đầu năm 2023, mức thuế này có thể quay lại kịch trần theo khung thuế. Bộ Tài chính đề xuất áp dụng 4 mức thuế theo diễn biến thực tế của thị trường…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn vừa ký văn bản gửi các bộ ngành, cơ quan để lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu và mỡ nhờn áp dụng cho năm 2023.
Trong năm 2022, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã có 2 lần giảm theo các nghị quyết của UBTVQH.
Tại lần giảm thuế gần nhất áp dụng từ 11/7, thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ được điều chỉnh như sau:
Xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít;
Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít;
Diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít;
Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít;
Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg;
Dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế áp dụng đến hết năm 2022. Từ đầu năm 2023, các nghị quyết của UBTVQH về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ hết hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ xăng sinh học) sẽ tăng từ 1.000 đồng lên 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng 500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng 300 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít.
Khi thuế bảo vệ môi trường không còn được giảm như năm 2022, giá xăng dầu cũng sẽ tăng tương ứng.
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính nhận định, giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới năm 2023 được dự báo vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn rủi ro đến ổn định kinh tế - xã hội cũng như sự tác động đến thị trường xăng dầu trong nước.
Theo Vnmedia