IMF cảnh báo về nguy cơ đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu
Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với một năm khó khăn trước mắt khi hậu quả của các cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây và sự hình thành các khối kinh tế đối địch nhau do xung đột Ukraine gây ra có nguy cơ làm suy yếu sự ổn định kinh tế toàn cầu. Đó là nhận định vừa được đưa ra bởi người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - bà Kristalina Georgieva khi bà này có bài phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh mới đây.
Theo Giám đốc IMF Georgieva, năm 2023 sẽ “đầy thách thức” và có khả năng chứng kiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại dưới 3% “do các ảnh hưởng gây ra từ đại dịch Covid-19, cuộc chiến ở Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ đè nặng lên hoạt động kinh tế của các nước”.
“Mức độ bất ổn đặc biệt cao, bao gồm cả rủi ro về sự phân mảnh kinh tế địa lý - một điều có thể đồng nghĩa với việc thế giới bị chia cắt thành các khối kinh tế cạnh tranh, đối địch với nhau. Đây là một 'sự phân chia nguy hiểm', khiến mọi người trở nên nghèo đi hơn và kém an toàn hơn. Những yếu tố này kết hợp cùng với nhau sẽ đồng nghĩa với việc triển vọng của nền kinh tế toàn cầu trong trung hạn có thể vẫn tiếp tục yếu,” người đứng đầu IMF đã cảnh báo như vậy.
Bà Georgieva cũng lưu ý rằng những rắc rối gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, từ sự sụp đổ bất ngờ của một số ngân hàng cho vay ở Mỹ đến việc ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ - Credit Suisse gần như mất khả năng thanh toán, đã phơi bày ra một loạt lỗ hổng trong hệ thống tài chính toàn cầu cần được giải quyết ngay trong thời gian trước mắt.
“Những rủi ro đối với sự ổn định tài chính đã tăng lên. Vào thời điểm mức nợ cao hơn, quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ lãi suất thấp kéo dài sang lãi suất cao hơn nhiều - một điều cần thiết để chống lạm phát - chắc chắn sẽ tạo ra sự căng thẳng và dễ bị tổn thương, bằng chứng là những diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng ở một số nền kinh tế tiên tiến”, bà Georgieva nói thêm.
Giám đốc IMF Georgieva ca ngợi những nỗ lực gần đây của các nhà hoạch định chính sách nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng toàn cầu bằng cách tăng cường cung cấp thanh khoản bằng USD, nói rằng họ “đã hành động quyết đoán để đối phó với những rủi ro về ổn định tài chính”. Tuy nhiên, bà Georgieva nhấn mạnh rằng các biện pháp đó chỉ “làm giảm bớt căng thẳng cho thị trường ở một mức độ nào đó, nhưng sự bất ổn vẫn cao, điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác”.
Mặc dù vậy, Giám đốc IMF Georgieva lưu ý rằng triển vọng của nền kinh tế toàn cầu không phải là “hoàn toàn xấu”.
Theo VnMedia