4 nhóm người tuyệt đối không nên 'động đũa' vào thịt vịt
Thịt vịt ngon, bổ dưỡng nhưng cũng là loại thực phẩm đại kỵ với nhiều người, làm trầm trọng hơn các vấn đề về sức khỏe.
Tôi không có bệnh nền và thích ăn thịt vịt. Tuy nhiên, món ăn này hay gây đau bụng, khó tiêu. Xin chuyên gia cho biết ai cần kiêng thịt vịt? Tôi xin cảm ơn! (Hoàng Thanh Hằng - Hà Đông, Hà Nội).
Lương y Đỗ Minh Tuấn - Hội Đông y Hà Nội tư vấn:
Theo Đông y, thịt vịt có vị ngọt, tính hàn, giúp bổ âm, thanh nhiệt, dưỡng huyết, kiện tỳ vị. Theo khoa học hiện đại, thịt vịt giàu protein, vitamin nhóm B, sắt, kẽm, omega-3, rất tốt cho tim mạch, hệ miễn dịch, xương khớp.
Trong 100g thịt vịt chứa 337kcal, 19g protein, 290mg omega-3, 3.360mg omega-6 và nhiều vitamin (B3, B2, B1, B5, B6, K, B12, A, E, Folate), các khoáng chất selen, phốt pho, sắt, kẽm, đồng, kali, magie, natri, canxi, mangan.
Tuy nhiên, dù bổ dưỡng đến đâu, không phải ai cũng có thể ăn thịt vịt. Những nhóm người sau tuyệt đối không nên ăn món này:
1. Người có hệ tiêu hóa kém, hay bị lạnh bụng ăn thịt vịt dễ đau bụng. Các dấu hiệu thường gặp là đầy hơi, chướng bụng, đau bụng đi ngoài, tiêu hóa kém, hay bị tiêu chảy.
2. Người bị cảm lạnh, ho lâu ngày, hen suyễn ăn thịt vịt có thể làm bệnh nặng hơn. Sau khi ăn, bạn có các dấu hiệu ho nặng hơn, nhiều đờm, khó thở. Người bị cảm lạnh lâu ngày nếu ăn món vịt, cơ thể sẽ mệt mỏi hơn, hay ớn lạnh.
3. Người có vết thương hở, mới phẫu thuật ăn thịt vịt khó liền sẹo do vết thương lâu lành, dễ sưng tấy, thậm chí bị lồi, thâm đen hoặc dễ bị kích ứng, có thể mưng mủ, lâu liền hơn bình thường.
4. Người bị bệnh gout, suy thận ăn các món từ vịt khiến bạn đau nhức khớp, đặc biệt ở ngón chân, đầu gối.
Người bị các bệnh về thận ăn vịt khiến nước tiểu vàng đậm, phù nề chân tay, người hay mệt mỏi. Nguyên nhân do thịt vịt chứa nhiều đạm và purin, làm tăng nồng độ axit uric trong máu, kích thích các cơn đau gout cấp, sưng viêm khớp.
Người bị suy thận ăn nhiều đạm sẽ khiến thận phải làm việc quá tải, tình trạng suy thận tiến triển nhanh hơn. Trong 100g thịt vịt có 128mg purin được chuyển hóa thành axit uric. Trong khi đó, khuyến cáo cho người bệnh gout cấp tính chỉ nên sử dụng tối đa 135-150mg/100g. Do đó, người bệnh gout mạn tính không nên ăn thịt vịt.
Theo VietNamNet