86% trẻ em Việt sâu răng do một nguyên nhân có thể thay đổi
Trong những năm qua, số lượng trẻ sâu răng tăng chủ yếu do không vệ sinh răng miệng đúng cách. Cha mẹ và thầy cô có thể hướng dẫn các em cách đánh răng để tránh tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng.
Tháng 10 vừa qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Cao Bính, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, cho biết hiện nay tỉ lệ sâu răng ở trẻ em là hơn 86%, trong đó tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn rất cao.
Con số này đã cao hơn đáng kể so với vài năm trước đây. Khảo sát răng miệng ở trẻ em Việt Nam do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận vào năm 2019, tỉ lệ sâu răng sữa là 46,5% (nhóm 1-9 tuổi) và sâu răng vĩnh viễn là 28% (nhóm trên 5 tuổi).
Theo thống kê của Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, có đến 91% các em chăm sóc răng miệng không đúng cách.
Dấu hiệu của sâu răng tùy thuộc vào mức độ và vị trí sâu. Khi sâu răng mới khới phát, trẻ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi sâu răng tiến triển nặng hơn sẽ xuất hiện một số biểu hiện như:
- Răng đổi màu ở một vài vùng, vài điểm trên mặt nhai hoặc kẽ răng.
- Đau răng khi nhai hoặc tự phát mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Răng nhạy cảm, đau buốt khi ăn uống đồ ngọt, nóng hoặc lạnh, khi có thức ăn giắt vào kẽ răng.
- Xuất hiện lỗ sâu trên răng.
- Từ những lỗ sâu nhỏ không được điều trị kịp thời, sâu răng sẽ diễn biến đến bệnh lý tủy răng, gây đau đớn. Nhiễm trùng thời gian dài có thể lan rộng ra xung quanh chân răng gây áp-xe, viêm tấy vùng mặt. Trường hợp nặng có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết, nguy hiểm tính mạng, điều trị tốn kém.
Bên cạnh nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ, toàn thân, sâu răng còn là nguyên nhân làm trầm trọng thêm một số bệnh toàn thân. Khoa học chứng minh sâu răng làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc trên trẻ mắc tim bẩm sinh, viêm cầu thận, nhiễm trùng.
Theo VietNamNet