Cả nhà nín thở vì một người nghén mắm tôm
Khi nghén, phụ nữ có thể thèm ăn những món khá 'oái oăm' như mắm tôm, vữa tường, đất sét thậm chí cả mảnh thủy tinh hoặc những món ăn trước đó họ rất ghét.
Mỗi lần mang thai, chị Lê Thị Hường (27 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đều nghén “lên bờ xuống ruộng” với đủ kiểu không giống ai.
Từ tuần thứ 7 thai kỳ, chị Hường nghén nặng đặc biệt từ 14h, bắt đầu buồn nôn, nôn khan. Ngửi thấy mùi gì, bà bầu cũng sợ nhưng lại nghiện mùi mắm tôm.
Mỗi bữa ăn, cả nhà dùng cơm còn chị Hường ôm bát mắm tôm hít hà và cảm thấy sảng khoái, thích ăn cơm chan mắm tôm. Thậm chí, nửa đêm, khi cả nhà đi ngủ, chị lại lích kích bật bếp chưng mắm tôm lên ăn.
“Cả gia đình sợ lắm, mỗi lần tôi chưng mắm dù bật hút mùi chế độ cao nhất, cả căn nhà vẫn bốc mùi nồng nặc. Nhưng vì tôi đang nghén nên ai cũng nhịn, không phàn nàn”, bà mẹ trẻ nói.
Trong khi đó, từ đầu thai kỳ, chị Khánh Vân (31 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại cảm giác ăn ngon miệng hơn.
Từ tuần thai thứ 8 trở đi, chị bắt đầu vật vã những món ăn như khế chua. Thời điểm chị nghén nhiều nhất thì miền Bắc vừa trải qua cơn bão số 3 nên khó mua loại quả này.
“Mẹ chồng tôi đi 2-3 chợ quanh nhà cũng chỉ mua được 1-2 quả non, ăn không đã. Bà còn nhờ người quen gửi từ tận Quảng Bình ra bằng đường bưu điện. Khi tới nhà, 2/3 số khế đã dập, mốc không ăn được. Chồng tôi còn bảo khế chua khó mua hơn cua hoàng đế”, chị Vân kể lại.
Sau khi chào đời, con của chị Vân khi ở nhà được mọi người gọi là bé Khế.
Chị Nguyễn Mai Lan (Bình Dương) nói đến nghén lại ôm bụng cười rũ rượi vì người phụ nữ này thèm đất sét. Gần nhà chị Lan có xưởng làm gốm, bình thường chị thấy thích mùi đất sét. Khi mang thai càng thích hít hà mùi này hơn. Khi công nhân chở đất, chị Lan lấy một ít về ban đầu để ngửi nhưng đất khô sờ thấy bở như khoai nên thử không thấy tanh mà còn ngon. Lo sợ ăn đất sét không tốt cho sức khỏe chị cố gắng kìm nén cơn nghén đất sét. Đến tháng thứ tư của thai kỳ, các triệu chứng này mới giảm.
Theo VietNamNet