Căn bệnh gây ra cái chết của hơn 11.000 người Việt mỗi năm, gánh nặng rất lớn
Tổ chức Y tế thế giới ước tính Việt Nam có khoảng 11.000 người tử vong do lao hàng năm, đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: BVCC
Thông tin được GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ tại Lễ kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống lao do Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức mới đây.
Ông Thuấn cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2023, bệnh lao tiếp tục là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm. Toàn cầu ghi nhận khoảng 10,8 triệu người mắc mới và 1,25 triệu người tử vong do lao.
"Việt Nam vẫn là một trong 30 quốc gia có gánh nặng lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết. Năm 2024, cả nước phát hiện hơn 113.600 ca mắc lao (tăng 7% so với năm trước đó), mức tốt nhất từ trước đến nay, trong đó có gần 4.000 trường hợp lao kháng thuốc.
Hiện tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao mới và tái phát duy trì ở mức cao, đạt gần 90%, cao hơn mức chung trên toàn cầu - 88%.
Dù vậy, theo ông Thuấn, vẫn còn rất nhiều việc phải làm do tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề. WHO ước tính Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới; 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hàng năm.
Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, năm 2023 Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất toàn cầu.
Theo ông Lượng, mục tiêu chấm dứt bệnh lao rất cần sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để bảo đảm nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao từ Trung ương đến địa phương.
Ông Lượng cho rằng, công tác kiểm soát lao phải gắn với cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế phải sàng lọc lao lồng ghép trong khám chữa bệnh thường quy, gắn thông tin sàng lọc, phát hiện, khám và điều trị lao vào sổ sức khỏe điện tử. Cùng đó, các cơ sở đào tạo y khoa đưa nội dung về bệnh lao là bắt buộc để các thầy thuốc có đầy đủ kiến thức, chứng chỉ về bệnh lao trong quá trình hành nghề.
Để phát hiện bệnh sớm từ tuyến y tế cơ sở, các địa phương cần nâng cao chất lượng mạng lưới chẩn đoán lao bằng sử dụng rộng rãi xét nghiệm Xpert; phối hợp với các đối tác tăng cường mở rộng sàng lọc phát hiện bệnh lao trong khu vực trại giam, khu công nghiệp/khu chế xuất và các cơ sở y tế tư nhân.
Theo VietNamNet