Đặc sản ở Gia Lai chan nước đen ngòm, khách quen ăn 2 bát vẫn thèm
Dù nước dùng có màu đen, đặc sánh và “bốc mùi” thum thủm, không phải ai cũng dám thưởng thức nhưng món ăn này được xem là đặc sản trứ danh ở Gia Lai, người ăn quen gọi hẳn 2 bát vẫn thòm thèm.
Bún cua thối (hay còn gọi là bún mắm cua, bún thối) là một trong những đặc sản nức tiếng, gây tò mò từ tên gọi đến hình thức, mùi vị ở phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Theo người dân địa phương, sở dĩ gọi tên như vậy là nhằm phân biệt bún cua thối với bún riêu cua hay các món khác ăn kèm với nước dùng cua. Ngoài ra, tên gọi bún cua thối còn xuất phát từ nguyên liệu và hương vị đặc trưng của món ăn.
Cũng bởi điều này, nhiều người còn gọi vui bún cua thối là món ăn “đuổi khách”.
Chia sẻ với PV VietNamNet, bà Chi (57 tuổi) - chủ một quán bún cua lâu năm ở TP Pleiku cho biết, để làm món bún cua thối ngon đòi hỏi khâu chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu khá kỳ công.
Trong đó, cua được sử dụng là loại cua đồng, sau khi được lựa chọn kỹ và mua về thì đem rửa sạch, loại bỏ phần mai. Còn phần thân đem giã hoặc xay nhuyễn rồi lọc lấy nước.
Nước cua tươi được ủ khoảng 1 ngày 1 đêm sẽ lên men, dần chuyển sang màu đen và bốc mùi nồng, hơi thum thủm. Lúc này, người ta có thể đem nước cua ra chế biến món bún trứ danh.
“Công đoạn này nghe đơn giản nhưng cũng cần kinh nghiệm, canh giờ sao cho chuẩn để nước cua được ủ đủ và đúng thời gian theo yêu cầu, có màu và mùi đạt tiêu chuẩn. Nếu để lên men lâu quá hoặc ít quá, nước cua nặng mùi hay ít mùi thì khi nấu bún cũng không ngon”, bà Chi chia sẻ.
Phần nước cua ủ đủ ngày được múc ra, đun sôi liu riu với lửa nhỏ rồi cho thêm măng le thái mỏng.
Mỗi bát bún cua thối ngoài bún, nước dùng cua và măng le còn có da lợn chiên giòn, hành phi, đậu phộng với quả trứng vịt luộc “nhuộm đen” (vì được nấu cùng nước dùng, khi khách gọi món mới múc ra).
Tùy từng nơi, người ta cho thêm cả phồng tôm, chả, nem chua, tóp mỡ. Thực khách có thể ăn bún cua thối kèm rau sống, nêm nếm thêm ớt hoặc nước cốt chanh tùy ý.
Theo VietNamNet