Bản tin Hành trình chữ S
Thứ hai, 19/05/2025.
Bản tin ngày 14/12/2022
Chàng trai 'ăn dầm nằm dề' trong rừng, săn ảnh chim di cư quý hiếm ở bán đảo Sơn Trà

Ba năm qua, anh Huy đã có hàng chục chuyến leo núi, "'ăn dầm nằm dề", tỉ mỉ ngụy trang để săn hình ảnh các loài chim di cư quý hiếm tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).



Anh Nguyễn Hồng Huy (28 tuổi, Đà Nẵng) bắt đầu đam mê nhiếp ảnh, đặc biệt là chụp chim hoang dã từ năm 2019. 

Thời điểm bắt đầu học chụp ảnh, anh Huy thường leo núi Sơn Trà để tìm kiếm khung cảnh thiên nhiên ấn tượng. Tại đây, anh bắt gặp hình ảnh nhiều loài chim độc đáo, hót ríu rít trong bụi cây, tự do chuyền cành, bay lượn... "Tôi bị thu hút bởi những chú chim nhỏ xinh, nhanh nhẹn ấy. Tôi bắt đầu tìm hiểu và "săn" ảnh về chúng", anh Huy cho biết.

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng gần 10km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà được xem là “lá phổi xanh” của thành phố. Nơi đây có diện tích hơn 4.400 ha, là ngôi nhà chung gần 1.000 loài thực vật, hàng trăm loài động vật, trong đó “báu vật” là voọc chà và chân nâu với hàng trăm cá thể đang được bảo tồn nghiêm ngặt.

Bên cạnh voọc quý hiếm, bán đảo Sơn Trà là “sân ga” của các loài chim di cư trên thế giới. Chúng bay từ phương Bắc về phương Nam vào những tháng cuối năm để trú đông hoặc ghé vào tháng 4,5 để sinh sản. Đây cũng chính là thời điểm thích hợp nhất để các “tay máy” từ khắp nơi đổ lên Sơn Trà săn tìm những tấm hình đẹp nhất về cuộc sống của các loài chim quý hiếm, đặc hữu.

Loại chim hiếm nhất anh Huy từng có cơ hội "chạm mặt" là sẻ đồng ngực vàng - loại chim được đưa vào danh mục cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ. "Theo tôi tìm hiểu, loài sẻ này hay bị săn bắt, bẫy lưới nên chúng rất nhát. Để chụp được ảnh, tôi phải "ăn dầm, ở dề", dầm mưa dãi nắng mấy ngày liền trong rừng để tiếp cận, ghi hình", anh Huy kể.

Để săn ảnh chim, anh Huy phải leo rừng, đi bộ len lỏi trong các cánh rừng già và căng hết các giác quan để lắng nghe, quan sát. Nếu không có sức khỏe và sự kiên trì, khó lòng theo đuổi đam mê này.

Theo anh Huy, để có những tấm ảnh ấn tượng về mỗi loài chim thì phải tiếp cận được ở cự ly gần với chúng. Anh Huy thường lên mạng tìm đọc về tập tính của từng loài, dành thời gian quan sát từ xa (để nắm rõ giờ kiếm ăn, khu vực xuất hiện, tập tính cơ bản) rồi mới lên kế hoạch tiếp cận.

"Chúng tôi phải ngụy trang, ẩn mình di chuyển dưới các lùm cây, có lúc bò trườn trên cát thật nhẹ nhàng để tiếp cận chim, tập trung quan sát để "bắn" liên thanh, bắt những khoảnh khắc quý. Nhiều khoảnh khắc có thể chỉ xuất hiện một lần, khó có thể gặp lại", anh cho biết.

Theo VietNamNet

TIN KHÁC

Bản tin ngày 13/12/2022
Bản tin ngày 12/12/2022
Bản tin ngày 11/12/2022
Bản tin ngày 10/12/2022
Bản tin ngày 09/12/2022