Bản tin Hành trình chữ S
Thứ bảy, 10/05/2025.
Bản tin ngày 05/05/2025
Đặc sản 'trời cho' ít người biết ở miền Bắc, giòn ngon, vị đăng đắng

Mặc dù có vị đăng đắng khiến không ít thực khách ăn lần đầu cảm thấy "khó nuốt" nhưng loại rau "trời cho" này được xem như đặc sản ở một số nơi thuộc miền Bắc, nhất là Phú Thọ.


Đắng cảy (hay còn gọi là mạy kỳ cáy (tiếng Tày), co khi cáy (tiếng Thái), đại thanh, bọ nẹt, bọ mẩy, đắng đốm) là loại cây mọc dại ở ven rừng, trên núi cao, có thân nhỏ, cành khẳng khiu, lá màu xanh ngắt.

Chúng được tìm thấy ở một số nơi như Lạng Sơn, Tuyên Quang… Riêng tại Phú Thọ, cây đắng cảy xuất hiện nhiều và phổ biến hơn, được bà con địa phương xem như đặc sản "không mất tiền mua".

Điều thú vị là lá đắng cảy có vị đắng nhưng rễ lại có vị ngọt mát. Vì thế, người dân thường lên rừng đào cây lấy rễ về băm nhỏ, phơi khô và sao vàng để hãm nước uống như một vị thuốc quý.

Còn phần ngọn và lá non của cây đắng cảy lại được sử dụng như 1 loại rau sạch để chế biến thành món ăn.

Chị Lại Thu (tiểu thương ở Hạ Hoà, Phú Thọ) cho hay, đắng cảy là rau rừng quen thuộc với người bản địa nhưng không phải du khách nào cũng biết.

Huyện Hạ Hòa là nơi cây đắng cảy mọc nhiều, trở thành nguyên liệu tự nhiên được bà con yêu thích và tìm kiếm mỗi khi vào mùa.

Người địa phương thường chọn lá đắng cảy bánh tẻ, còn xanh non thì khi chế biến mới ngon. Ảnh: Triệu Thị Quê
Từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, cây đắng cảy bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Ở khắp thân cành, những búp non mọc chi chít, xanh non, mỡ màng.

Đó là thời điểm rau ngon nhất. Đến lúc ấy, người dân trong vùng rủ nhau lên núi, vào rừng hái lá và ngọn non đắng cảy về bán hoặc làm thức ăn.

“Theo bà con, đắng cảy chỉ hái khi còn non và vào ngày ấm áp. Lúc ấy, rau có vị đắng ngai ngái, dễ ăn và tươi ngon. Rau đắng cảy hái về phải chế biến ngay mới giữ được độ giòn và ngon nhất”, chị Thu nói.

Người phụ nữ này cũng tiết lộ, việc sơ chế rau đắng cảy khá đơn giản. Rau mua hoặc vừa hái về chỉ cần đem rửa sạch, rồi để nguyên hoặc thái nhỏ, tùy sở thích và cách nấu của từng nhà, từng người.

Loại rau này có thể chế biến thành nhiều món dân dã nhưng mùi vị không kém phần hấp dẫn như xào trứng, xào lòng mề vịt hoặc gà, hấp nồi cơm hoặc luộc chấm muối vừng, nấu canh thịt...

Mỗi món lại có hương vị riêng, được người dân địa phương đánh giá là thích hợp để ăn giải nhiệt, giải ngấy.

Theo VietNamNet

TIN KHÁC

Bản tin ngày 04/05/2025
Bản tin ngày 03/05/2025
Bản tin ngày 02/05/2025
Bản tin ngày 01/05/2025
Bản tin ngày 30/04/2025