Đặc sản 'dưới lòng đất' có từ Bắc vào Nam, trông lạ, ăn ngon lại no lâu
Vẻ ngoài kém hấp dẫn, lại dễ gây ngứa nhưng loại củ này được ví như đặc sản “dưới lòng đất”, xuất hiện từ Bắc vào Nam.
Cây nưa (hay còn gọi là khoai nưa, thuộc họ Ráy) mọc tự nhiên ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam như Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang…
Hầu hết các bộ phận của cây nưa đều có thể sử dụng được, từ lá đến thân, củ. Đặc biệt, củ nưa là nguyên liệu chế biến món ăn quen thuộc của người dân khắp 3 miền.
Nhờ đem lại giá trị về kinh tế mà cây nưa hiện được trồng tập trung ở một số địa phương như Huế, Hải Lăng (Quảng Trị), Trà Cú (Trà Vinh) để thu hoạch củ.
Anh Lê Thắng (ở Hải Lăng, Quảng Trị) cho biết, củ nưa thường được thu hoạch từ tháng 9-11, có thể sớm hoặc muộn hơn tùy từng nơi và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
“Người dân thường quan sát lá cây nưa, khi thấy phần lớn lá ngả sang màu vàng là đã tới thời điểm có thể khai thác củ. Củ được thu hoạch khi cây vẫn chưa già thường có độ bở và khi ăn cũng ít bị ngứa hơn”, anh nói.
Theo kinh nghiệm của anh Thắng, củ nưa nên được thu hoạch vào ngày không mưa, thời tiết khô ráo. Trong quá trình đào cần tránh làm tổn thương củ.
Các củ bị xây xát, cắt hoặc dập nát trong lúc thu hoạch phải để riêng và chú ý bảo quản cẩn thận so với củ còn nguyên, để tránh hiện tượng lây nhiễm, thối hỏng củ.
Sau khi khai thác, củ nưa được loại bỏ bớt đất và rễ, làm sạch, gọt vỏ, để lộ phần thịt màu hơi ngả vàng. Nếu chưa sử dụng đến, người ta thường đặt củ ở nơi khô ráo nhằm bảo quản lâu hơn.
Tùy nhu cầu mà bà con địa phương cũng đem cắt lát, phơi (hoặc sấy) khô củ nưa để nghiền thành bột hoặc chế biến tươi thành các món như bánh, đậu phụ, mỳ…
Theo VietNamNet