Người Australia có quyền từ chối email, cuộc gọi công việc ngoài giờ
Từ ngày 22/8, quyền được ngắt kết nối tại Australia có hiệu lực, đồng nghĩa người lao động được pháp luật bảo vệ khi không muốn liên lạc ngoài giờ làm việc.
Theo luật ngắt kết nối, hàng triệu người lao động Australia có quyền từ chối liên lạc ngoài giờ làm việc - bao gồm cả cuộc gọi và email - trừ khi việc từ chối đó là không hợp lý. Theo nhiều người, luật sẽ trả lại “một phần cuộc sống” cho họ, vốn đang bị ràng buộc bởi “xiềng xích kỹ thuật số”.
Không được trả lương làm thêm ngoài giờ là một thực trạng phổ biến tại Australia. Nhiều công việc đòi hỏi nhân viên phải sẵn sàng liên lạc bất kỳ lúc nào. Quyền ngắt kết nối muốn giải quyết điều này.
Brent Ferguson, người phụ trách chính sách quan hệ nơi làm việc quốc gia của công ty tuyển dụng Ai Group, giải thích luật mới sẽ không chấm dứt các cuộc gọi đêm khuya. Nó có nghĩa nhân viên có quyền từ chối khi bị liên lạc qua email, điện thoại nếu ngoài giờ làm việc.
Các doanh nghiệp có nhiều hơn 15 nhân viên phải tuân thủ luật ngay từ đầu tuần này, còn lại sẽ áp dụng từ 22/8/2025. Nếu có tranh chấp, trước tiên nó phải được xử lý ngay tại nơi làm việc thông qua đối thoại giữa ông chủ và người lao động.
Việc xác định từ chối liên lạc có hợp lý hay không còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Đó cũng là điều mà cả ngành đang phải đối mặt.
Đại dịch Covid-19 đã xóa nhòa cuộc sống cá nhân và công việc của mọi người. Ngay cả khi “bình thường mới”, việc tiếp cận công nghệ một cách dễ dàng với giá rẻ đồng nghĩa “sẵn sàng có mặt” trở thành mặc định đối với nhân viên. Luật mới cho phép họ thiết lập lại trật tự cuộc sống và cách làm việc.
Sally McManus, Thư ký Hội đồng Công đoàn Australia (ACTU), đánh giá "người lao động đã có một quyền hoàn toàn mới”. "Về cơ bản, điều đó có nghĩa là ông chủ không thể quấy rối bạn sau giờ làm việc", bà nói. "Nếu họ liên lạc với bạn, điều đó phải hợp lý và bạn có quyền không trả lời”.
Quyền ngắt kết nối cho phép người lao động vạch ranh giới giữa công việc và cá nhân. Theo bà McManus, một số nhà tuyển dụng đã vượt qua ranh giới và kỳ vọng nhân viên phải kè kè điện thoại, laptop 24/7.
Theo VietNamNet