Bản tin Công nghệ số
Thứ sáu, 04/07/2025.
Bản tin ngày 15/06/2025
Huawei dồn lực xây chuỗi cung ứng bán dẫn để không còn bị phương Tây đe dọa

Theo Nikkei, từ khi bị Mỹ cấm vận năm 2019, Huawei đã đầu tư vào hơn 60 doanh nghiệp liên quan đến chip nhằm củng cố chuỗi cung ứng quê nhà.


Nikkei cho biết Huawei mở rộng đầu tư vào doanh nghiệp bán dẫn thông qua Hubble – công ty đầu tư mà hãng thành lập năm 2019, khi Washington bắt đầu hạn chế truy cập công nghệ Mỹ.

Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu Itjuzi, Hubble đầu tư vào hơn 60 công ty, từ thiết kế chip, vật liệu đến sản xuất, kiểm thử. Thông tin từ website Tianyancha cũng cho thấy Hubble là cổ đông trong hơn 50 doanh nghiệp.

Mục tiêu của Huawei là để các công ty phát triển công nghệ và sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của mình. Tang Jin, nhà nghiên cứu cao cấp tại Mizuho Bank (Nhật Bản) nhận xét ưu tiên hàng đầu của “ông lớn” công nghệ Trung Quốc là tạo ra chuỗi cung ứng có thể kiểm soát được.

Nhiều công ty Trung Quốc sở hữu công nghệ cần thiết cho chip thế hệ tiếp theo. Năm ngoái, Huawei đầu tư vào Suzhou Carbon Semiconductor Technology, chuyên phát triển và sản xuất wafer bằng ống nano carbon. Những tấm wafer này hoạt động tốt hơn so với wafer làm từ silicon truyền thống.

Huahai Chengke New Material, mà Huawei rót vốn từ năm 2021, sản xuất vật liệu đóng gói cần thiết để sản xuất bộ nhớ băng thông cao (HBM) dùng trong AI tạo sinh.

Ngoài đầu tư qua Hubble, Huawei còn có quan hệ gần gũi với nhà sản xuất thiết bị chip SiCarrier. Một số nhà quan sát cho biết công ty đang độc lập phát triển thiết bị quang khắc.

SiCarrier được cho là một bộ phận của Huawei trước khi tách riêng và đang được chính quyền Thâm Quyến hậu thuẫn. Công ty đang xây nhiều nhà máy lớn tại Thâm Quyến với tốc độ xây dựng nhanh chóng.

Mỹ cấm Huawei làm ăn với xưởng đúc chip lớn nhất thế giới TSMC. Trong khi đó, SMIC – xưởng đúc chip lớn nhất Trung Quốc – không thể mua thiết bị sản xuất tối tân vì các lệnh cấm vận. Do không có nhiều lựa chọn, Huawei phải thiết lập chuỗi cung ứng chip trong nước và cải tiến công nghệ của mình.

Công ty đã phát triển chip 7nm và trang bị cho smartphone, thiết bị khác. Mẫu laptop mới – dự kiến lên kệ ngày 6/6 – được dự đoán dùng chip tiên tiến hơn, 5nm.

Theo Nikkei, tất cả chip tiên tiến này do HiSilicon thiết kế và SMIC cùng các xưởng đúc chip Trung Quốc khác sản xuất. Dù vậy, mức độ hiệu quả và độ chính xác vẫn là rào cản trong sản xuất chip tiên tiến số lượng lớn.

Việc tự sản xuất chip cũng đòi hỏi chi phí đầu tư đáng kể. Huawei ghi nhận khoản lỗ 400 triệu NDT trong Quý 4/2024. Rất có thể chi phí từ phát triển và sản xuất bán dẫn là một nguyên nhân.

Theo VietNamNet

TIN KHÁC

Bản tin ngày 14/06/2025
Bản tin ngày 13/06/2025
Bản tin ngày 12/06/2025
Bản tin ngày 11/06/2025
Bản tin ngày 10/06/2025