Châu Âu tăng áp lực buộc các nền tảng tăng cường ngăn chặn thông tin sai lệch
Đạo luật dịch vụ số (DSA) yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải áp dụng nhiều biện pháp hơn nữa để ngăn chặn các nội dung độc hại và bất hợp pháp, cũng như những tài liệu trực tuyến giả mạo.
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ gây áp lực nhiều hơn để buộc các nền tảng trực tuyến phổ biến nhất như X và TikTok đề phòng nguy cơ xảy ra thông tin sai lệch về bầu cử, nếu không sẽ phải đối mặt với các án phạt.
Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ đưa ra các chỉ dẫn mới về vấn đề này, có thể vào ngày 26/3, trước khi các cuộc bầu cử ở khối này diễn ra vào tháng Sáu tới.
Các quy định này được đưa ra theo Đạo luật dịch vụ số (DSA). Đạo luật này yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải áp dụng nhiều biện pháp hơn nữa để ngăn chặn các nội dung độc hại và bất hợp pháp, cũng như những tài liệu trực tuyến giả mạo.
Trong một diễn biến có liên quan, theo các nguồn thạo tin, cơ quan chức năng châu Âu có kế hoạch điều tra Apple, Meta Platforms và Google của Alphabet để xác định xem có hay không việc các công ty này vi phạm quy định trong Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU.
Các nguồn tin cho biết EC dự kiến sẽ công bố thông tin về các cuộc điều tra trong những ngày tới và công bố kết quả điều tra trước khi nhiệm kỳ của Ủy viên cạnh tranh chống độc quyền Margrethe Vestager kết thúc vào tháng 11/2024.
Vi phạm quy định DMA có thể khiến các công ty này phải trả tới 10% doanh thu hàng năm trên toàn cầu.
Theo DMA, EU yêu cầu các công ty công nghệ phải cung cấp cho người dùng và các đối thủ cạnh tranh nhiều lựa chọn hơn để đảm bảo sân chơi bình đẳng.
EC từ chối bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, Apple, Meta và Google cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Theo VnMedia