Google dịch gặp đối thủ cạnh tranh tại khu vực châu Á
Startup dịch thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo DeepL của Đức vừa ra mắt ngôn ngữ tiếng Trung phồn thể, một động thái mở rộng hiện diện sang khu vực châu Á nhằm cạnh tranh với gã khổng lồ Google dịch.
DeepL là một trong những công ty AI nổi tiếng của châu Âu, đang được định giá 2 tỷ USD. Công ty này chuyên bán phần mềm dịch thuật dành cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp.
Tiếng Trung phồn thể là một dạng chữ viết của tiếng Trung được sử dụng ở Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc). Cả hai địa điểm đều là trung tâm kinh doanh quan trọng về công nghệ và tài chính.
CEO Jaroslaw “Jarek” Kutylowski cho biết, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) là “thị trường công nghệ mạnh”, đặc biệt có sự xuất hiện của nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC.
Bên cạnh tiếng Trung phồn thể, DeepL đã có ngôn ngữ tiếng Nhật và tiếng Hàn trên nền tảng.
Tuần trước, startup trụ sở tại Cologne cũng đã ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) thế hệ tiếp theo, được tuyên bố là vượt trội so với phiên bản mới nhất của ChatGPT, Google và Microsoft về tác vụ dịch thuật.
Đằng sau DeepL là những quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, chẳng hạn như quỹ văn phòng gia đình của Mark Zuckerberg có tên ICONIQ Development and Index Ventures.
Mục tiêu của DeepL là nhóm đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Công ty này có kế hoạch mở rộng danh sách 33 ngôn ngữ hiện có để giúp doanh nghiệp toàn cầu giao tiếp dễ dàng.
DeepL không có hoạt động kinh doanh với các công ty Trung Quốc đại lục. Song, việc ra mắt hỗ trợ tiếng Trung phồn thể, công ty này sẽ cạnh tranh với những gã khổng lồ công nghệ của nền kinh tế thứ hai thế giới, bao gồm Baidu và Tencent - những doanh nghiệp đều phát triển công cụ dịch thuật riêng.
Startup của Đức cũng nhận định châu Á là thị trường trọng tâm trong thời gian tới, do đó công ty sẽ tiếp tục ra mắt các ngôn ngữ khác tại khu vực này để cạnh tranh với Google dịch.
Mặc dù dịch vụ hiện tại vẫn chỉ tập trung vào ngôn ngữ viết, nhưng Kutylowski xác nhận công ty đang nghiên cứu một sản phẩm dịch ngôn ngữ nói.
“Dịch ngôn ngữ nói sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược của chúng tôi ở châu Á”, CEO DeepL nói.
Theo VietNamNet