Qualcomm muốn mua Intel?
Theo nguồn tin thân cận của CNBC, Qualcomm đã tiếp cận Intel để bàn về một vụ thâu tóm trong thời gian gần đây.
Theo CNBC, không rõ Intel có tham gia vào cuộc thảo luận với Qualcomm không hay điều khoản của thỏa thuận như thế nào. Thương vụ nếu xảy ra sẽ là một trong những vụ M&A lớn nhất lịch sử công nghệ. Intel hiện có giá trị vốn hóa hơn 90 tỷ USD.
New York Times tiết lộ “Qualcomm vẫn chưa đưa ra đề nghị chính thức cho Intel”.
Từng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, Intel nhiều năm nay rơi vào vòng xoáy sụt giảm, đặc biệt trầm trọng trong năm 2024. Hồi tháng 8, công ty Mỹ trải qua ngày tồi tệ nhất trong 50 năm sau khi báo cáo kết quả kinh doanh gây thất vọng. Ngày 2/8, cổ phiếu giảm 26% giá trị xuống 21,48 USD. Năm nay, cổ phiếu Intel đã mất 53% giá trị khi các nhà đầu tư hoài nghi về những kế hoạch tốn kém để vực dậy mảng chip.
Qualcomm và Intel cạnh tranh trên một số thị trường, bao gồm chip PC và laptop. Tuy nhiên, khác với Intel, Qualcomm không tự sản xuất chip của mình mà dựa vào các xưởng đúc như TSMC, Samsung.
Hôm đầu tuần, sau cuộc họp quản trị bàn về chiến lược, CEO Intel Patrick Gelsinger đã gửi thông báo nội bộ cho nhân viên, nhắc lại cam kết đầu tư mạnh mẽ vào mảng đúc chip, dự án có thể tốn 100 tỷ USD trong 5 năm tới. Ngoài ra, hãng cũng cân nhắc đầu tư bên ngoài.
Intel đã bỏ lỡ cuộc cách mạng AI. Hầu hết các chương trình AI tiên tiến như ChatGPT đều chạy trên bộ xử lý đồ họa của Nvidia, thay vì bộ xử lý trung tâm của Intel. Nvidia chiếm hơn 80% thị trường này, theo các chuyên gia.
Doanh thu của Qualcomm thấp hơn của Intel. Trong năm tài khóa 2023, Qualcomm báo cáo doanh thu 35,8 tỷ USD, còn Intel là 54,2 tỷ USD.
Thương vụ giữa Qualcomm và Intel sẽ rất phức tạp vì các vấn đề chống độc quyền và an ninh quốc gia. Cả hai đều đang kinh doanh tại Trung Quốc và đều không thành công khi muốn mua một công ty chip khác.
Những vụ M&A lớn trong ngành bán dẫn đều không xảy ra. Năm 2017, Broadcom đề nghị mua Qualcomm với giá hơn 100 tỷ USD song bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chặn đứng vào năm tiếp theo do lo ngại an ninh quốc gia. Khi ấy, Broadcom có trụ sở tại Singapore. Năm 2021, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ kiện lên tòa án để chặn nỗ lực mua hãng thiết kế chip Arm của Nvidia. Thương vụ bị hủy bỏ vào năm 2022 trước áp lực từ các nhà chức trách tại châu Âu và châu Á.
Theo VietNamNet
"