Cách tra cứu phạt nguội chính xác, tránh cảnh ô tô bất ngờ không được đăng kiểm
Từ ngày 1/10, thay vì được kiểm định 'tạm' trong thời hạn 15 ngày, ô tô “quên” nộp phạt nguội sẽ bị từ chối đăng kiểm. Vì vậy chủ xe cần tra cứu phạt nguội trước khi đưa phương tiện đi đăng kiểm.
Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 30/2024 sửa đổi Thông tư 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Thông tư 3/2018 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017.
Đáng chú ý, Thông tư 30 đã bãi bỏ quy định về việc xe cơ giới bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định theo quy định tại khoản 12, Điều 80, Nghị định số 100/2019 được kiểm định trong thời hạn 15 ngày.
Như vậy, từ ngày 1/10 khi Thông tư 30 có hiệu lực, ô tô "quên" đóng phạt nguội sẽ phải hoàn thành các thủ tục đóng phạt thì mới đủ điều kiện đăng kiểm.
Trên thực tế, nhiều trường hợp chủ xe khi đi đăng kiểm mới ngã ngửa biết xe mình bị phạt nguội. Do vậy, tra cứu phạt nguội trước khi đi đăng kiểm là việc làm rất quan trọng, tránh tình trạng phải quay đi quay lại nhiều lần.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quốc Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29.03V (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chủ xe cần tra cứu phạt nguội để biết tình trạng của phương tiện.
Hiện nay, có 3 cách tra cứu phạt nguội được chủ phương tiện thực hiện, thông qua website của Cục CSGT, website của Cục Đăng kiểm Việt Nam và ứng dụng đặt lịch hẹn đăng kiểm trực tuyến của Cục Đăng kiểm Việt Nam (app TTDK).
Tuy nhiên, các trung tâm đăng kiểm khuyến cáo người dân nên tra cứu tại website hoặc app TTDK của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Bởi vì trên thực tế, nhiều trường hợp vi phạm của phương tiện đã đăng tải trên website của Cục CSGT nhưng chưa quá thời hạn 20 ngày kể từ khi thông báo vi phạm, cơ quan công an chưa có thông báo về Cục Đăng kiểm Việt Nam để cảnh báo đăng kiểm thì chủ phương tiện vẫn được kiểm định xe bình thường.
Cũng có trường hợp, vi phạm của chủ phương tiện không được xử lý bởi lực lượng CSGT mà bởi công an trật tự các địa phương. Công an địa phương sau đó trực tiếp gửi thông báo vi phạm qua đơn vị đăng kiểm ở địa phương để thực hiện cảnh báo đăng kiểm.
Lúc này, chủ phương tiện tra cứu dữ liệu trên website của Cục CSGT sẽ không tìm thấy kết quả nhưng tra cứu trên dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có cảnh báo.
Do đó, người dân có thể tra cứu phạt nguội ô tô trên website Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo VietNamNet