Trăm chuyến không thể hạ cánh, thời gian bay vòng trên trời bao lâu?
Chỉ trong 3 ngày mưa giông lớn đã khiến hơn 100 chuyến bay phải bay vòng, chuyển hướng đi các sân bay dự phòng hoặc thậm chí phải quay lại.
Trước tình trạng nhiều chuyến bay phải vòng chờ hạ cánh kéo dài đến 40 phút, nhiều độc giả đặt câu hỏi, việc này có đảm bảo an toàn hay không? Thời gian bay chờ được quy định tối đa trong bao lâu?
Giải đáp những băn khoăn này, ông Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết: Thời gian bay chờ không giới hạn trong bao lâu mà phụ thuộc vào lượng nhiên liệu dự phòng và quyết định của cơ trưởng.
Nhiên liệu dự phòng sẽ được cơ trưởng tính toán và đổ từ đầu sân bay đi. Ông Sáu cho biết, số nhiên liệu sẽ được tính toán dựa trên một loạt căn cứ.
Cụ thể:
Trip Fuel: Đây là lượng nhiên liệu cần thiết để máy bay chạy đà, cất cánh, nâng độ cao, bay và hạ cánh xuống sân bay đến.
Diversion fuel: Nhiên liệu chuyển hướng đến sân bay dự bị.
Reserve fuel: Nhiên liệu bổ sung và nhiên liệu dự phòng.
Contingency fuel: Nhiên liệu dự phòng cho những trường hợp phát sinh ngẫu nhiên khi máy bay đang bay tầm cao.
Additional fuel: Nhiên liệu bổ sung, tức lượng nhiên liệu cần thiết để bay từ điểm tiếp cận bị bỏ lỡ tại sân bay đích cho đến khi hạ cánh tại sân bay thay thế.
Taxi fuel: Nhiên liệu taxi, sử dụng cho máy bay lăn trên đường băng, trước khi cất cánh.
Ông Sáu nhấn mạnh, việc phải bay vòng chờ do điều kiện thời tiết xấu là nhằm đảm bảo an toàn cho máy bay và hành khách vì máy bay muốn hạ cánh phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.
“Vì vậy, hành khách trong thời gian chờ cần giữ bình tĩnh và tuân thủ các hướng dẫn, quy định của tiếp viên hàng không. Lúc này, hành khách có thể áp dụng các biện pháp như nuốt nước bọt để chống ù tai, giữ bình tĩnh và không nghĩ đến việc bao giờ hạ cánh vì càng nghĩ thì càng sốt ruột...
Nhiều người say máy bay, giống như say xe, chỉ nghĩ tới đã say, nên không có giải pháp nào trừ liệu pháp tâm lý tự kỷ ám thị”, ông Sáu khuyến cáo.
Theo VietnamNet